Năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển

ThS. Lê Minh Hương

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn năng lượng này vẫn còn hạn chế. Vậy đâu là giải pháp để phát triển nguồn năng lượng tiềm năng này?

1. Tiềm năng và thực trạng khai thác các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam

Năng lượng mặt trời

Việt Nam được xem là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời do có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền của đất nước. Tổng số giờ nắng trong năm tại các tỉnh miền Bắc bình quân từ 1.800 – 2.100 giờ (N.T.N. Tuất và cộng sự), các vùng miền Trung và miền Nam khoảng 1.400 – 3.000 giờ; số ngày nắng trung bình trên các tỉnh miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm. Bên cạnh đó, cường độ bức xạ mặt trời trung bình nhận được tại mặt đất dao động trong khoảng 3,54 – 5,15 kWh/m2/ngày và tăng dần từ Bắc vào Nam (H.T.T. Hường, 2014; Nguyen N.H., 2013) và tiềm năng lý thuyết được đánh giá khoảng 43,9 tỷ TOE/năm (N.T.N. Tuất và cộng sự). Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này hiện nay còn hạn chế, chỉ khoảng 1,2 – 3 MWp (H.T.T. Hường, 2014; N.T.N. Tuất và cộng sự). Các hoạt động nghiên cứu và sử dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam tập trung vào một số lĩnh vực như cung cấp nước nóng dùng trong sinh hoạt và phát điện ở quy mô nhỏ; sấy, nấu ăn, chưng cất nước… ở quy mô thử nghiệm nhỏ, chưa đáng kể.

Năng lượng gió

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Cambodia (26.000 MW) (Nguyen D. L., 2014). Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn. Con số tương ứng của Cambodia là 0,2%, Lào là 2,9% và Thái Lan là 0,2%.

Hiện nay, Việt Nam cho phép triển khai các dự án điện gió tại một số tỉnh miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định), Nam Bộ (Cà Mau, Kiên Giang) và vùng đảo (Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo). Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện có khoảng 100 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam với tổng công suất hơn 7.000 MMW nhưng mới chỉ có 4 dự án với tổng công suất 159,2 MW đi vào vận hành thương mại và dự kiến nâng tổng công suất lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng năng lượng gió của nước ta.

Thủy điện nhỏ

Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc phân bố trên khắp cả nước nên tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ là rất lớn. Hiện Việt Nam có trên 1.000 địa điểm đã được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mô từ 10 KW tới 30 MW với tổng công suất lắp đặt trên 7.000 MW. Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng hiện tại mới có 114 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 850 MW đã cơ bản hoàn thành, 228 dự án với công suất trên 2.600 MW đang được xây dựng và 700 dự án đang giai đoạn nghiên cứu. Ngoài ra các dự án thủy điện cực nhỏ công suất dưới 100 KW phù hợp với vùng sâu, vùng xa, những nơi có địa hình hiểm trở có thể tự cung tự cấp theo lưới điện nhỏ và hộ gia đình cũng đã và đang được khai thác. Tính đến hết năm 2016, lượng điện thu được từ nguồn thủy điện nhỏ đạt khoảng 2.000 MW.

Năng lượng sinh khối

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối1. Tiềm năng sinh khối từ gỗ củi vào khoảng 10,6 triệu tấn dầu quy đổi (năm 2010), 14,6 triệu tấn (năm 2030) và 14 triệu tấn (năm 2050); phế thải từ nông nghiệp vào khoảng 16,8 triệu tấn (năm 2010); 20,6 triệu tấn (năm 2030) và 26,3 triệu tấn (năm 2050); từ rác thải đô thị vào khoảng 0,64 triệu tấn (năm 2010), 1,5 triệu tấn (năm 2030) và 2,5 triệu tấn (năm 2050). Phát triển năng lượng điện sinh khối sẽ góp phần quan trọng giải quyết bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cải thiện chi phí, tăng hiệu quả sản xuất – kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các ngành năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, biển; nghiên cứu, đào tạo, sáng chế… Đến hết năm 2016, năng lượng sinh khối mới chỉ khai thác được khoảng 592 MW.

Ngoài các nguồn nhiên liệu và năng lượng tái tạo đã đề cập ở trên, Việt Nam còn có tiềm năng về năng lượng địa nhiệt2, năng lượng biển như thủy triều. Các nguồn năng lượng này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu để nhận dạng và đánh giá trữ lượng tiềm năng khai thác. Như vậy, hiện tại ở nước ta có 4 loại năng lượng tái tạo đã được khai thác để sản xuất điện. Tuy nhiên, thực trạng khai khác năng lượng tái tạo còn rất nhỏ so với tiềm năng. Đến hết năm 2016, con số phát điện thực tế từ các nguồn năng lượng tái tạo mới chỉ hơn 2.700 MW, chiếm khoảng 3,4%, còn cách khá xa so với mục tiêu 27.000 MW vào năm 20303. Bên cạnh đó, quy hoạch điện đặt ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo lên 4,5% và 6% vào năm 2020 và năm 2030.

Việc năng lượng tái tạo chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do một số nguyên nhân chính:

(i) Chi phí đầu tư và sản xuất cao dẫn đến giá thành năng lượng tái tạo cao. Trên thế giới hiện đã có nhiều công nghệ mới giúp giảm thiểu chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, tăng tính cạnh tranh cho năng lượng này so với các loại năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, hiện tại chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn cao do công nghệ sản xuất chưa theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ trên thế giới. Bên cạnh đó, hầu hết máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án về năng lượng tái tạo đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, chi phí vận chuyển chiếm từ 10 – 15% giá trị làm cho giá thành đầu tư cao.

(ii) Cơ chế giá đối với năng lượng tái tạo vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Hiện tại, Chính phủ đã quy định EVN phải mua tất cả các nguồn năng lượng tái tạo được doanh nghiệp sản xuất, tuy nhiên giá bán 7,8 US cent/kWh đối với điện gió4 và 9,35 US cents/kWh đối với điện mặt trời; 10,05 US cents/kWh cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt chưa đủ để bù đắp chi phí đầu tư.

(iii) Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển năng lượng tái tạo chưa phát triển, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư phải bỏ số vốn lớn để tự đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu (đường giao thông, đường điện, đường nước…).

(iv) Quy trình đầu tư phức tạp do Nhà nước chưa ban hành quy hoạch tổng thể cho phát triển năng lượng tái tạo, chưa có lộ trình cho giá bán lẻ điện hình thành từ năng lượng tái tạo; tính công khai, minh bạch trong việc sản xuất, phân phối, truyền tải điện chưa được chú trọng…

(v) Vẫn còn tồn tại những nhận thức sai về năng lượng tái tạo như năng lượng tái tạo không ổn định, thường làm gián đoạn quá trình cung cấp điện và không thể cung cấp điện liên tục 24 giờ một ngày; năng lượng tái tạo đắt đỏ và xa xỉ, chỉ phù hợp với những quốc gia phát triển; phát triển năng lượng tái tạo dẫn tới sự phụ thuộc công nghệ nước ngoài…

2. Giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Tại Việt Nam, nhận thức được tiềm năng, vai trò của năng lượng tái tạo trong việc phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, Chính phủ khẳng định: “Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường”5. Trong đó, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII là đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, tương đương khoảng 0,8% tổng công suất nguồn điện; phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối từ các nhà máy đường, chế biến lương thực, thực phẩm, chất thải rắn… chiếm khoảng 1% tổng công suất nguồn điện vào năm 2020 và 1,2% vào năm 2025; tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020; khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030 với tỷ trọng tương ứng là 0,5%, 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp mang tính đột phá để biến tiềm năng, mục tiêu thành hiện thực.

(i) Ban hành khung pháp lý chung cho phát triển năng lượng tái tạo: Theo kinh nghiệm của các nước thành công trong phát triển năng lượng tái tạo như Đức, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Âu – Mỹ, cần ban hành Luật Năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ổn định về cơ sở pháp lý và chính sách phát triển năng lượng tái tạo, chú trọng các chính sách phối hợp bền vững ở cấp quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo; thúc đẩy và triển khai công nghệ mới; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng trên thị trường năng lượng.

(ii) Hiện nay giá điện ở Việt Nam vẫn chưa theo cơ chế thị trường vì vậy giá điện hình thành từ năng lượng tái tạo không thể cạnh tranh được với giá điện truyền thống hình thành từ năng lượng hóa thạch. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là cần xây dựng và ban hành biểu giá điện phù hợp cho cả điện gió, điện mặt trời, điện được hình thành từ các dạng năng lượng tái tạo khác hài hòa lợi ích của cả 3 bên, đó là: Chủ đầu tư (bên bán điện), EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh – không phát thải khí nhà kính của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ, loại bỏ trợ cấp đối với điện hình thành từ các nhiên liệu hóa thạch nhằm đẩy mạnh tính minh bạch và cạnh tranh công bằng trên thị trường mua bán điện.

(iii) Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trong cả ngắn, trung và dài hạn với các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phát triển kinh tế. Trong đó, việc sớm ban hành quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia và từng địa phương sẽ giúp giảm thiểu thời gian nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện hồ sơ dự án cho nhà đầu tư.

(iv) Nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước… nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ cộng đồng phát triển mô hình sử dụng năng lượng tái tạo.

(v) Ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo, trong đó, bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế giá, cơ chế mua bán điện… đối với các doanh nghiệp đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, cần bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất các máy móc, thiết bị phát điện… phục vụ dự án năng lượng tái tạo như ưu đãi về thuế, về vay vốn ưu đãi đối với những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị như bình đun nước nóng, thủy điện nhỏ, động cơ gió, hầm bioga khí sinh học…

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Thị Thu Hường (2014), Thực trạng năng lượng tái tạo Việt Nam và hướng phát triển bền vững, Năng lượng Việt Nam.

2. Lê Tuấn Anh, Đào Thị Việt Nga (2016), Phát triển thủy điện ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

3. Lương Duy Thành, Phan Văn Độ và Nguyễn Trọng Tâm (2015), Nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự phát triển, tiềm năng và thực trạng khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học kỹ thuật thủy lợi và môi trường.

4. Nguyễn Thế Chinh (2014), Nguồn tài nguyên năng lượng Việt Nam và khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

5. Nguyễn Đức Cường (2012), Tổng quan về hiện trạng và xu hướng của thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, Viện Năng lượng.

6. Nguyễn Anh Tuấn (2013), Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

7. Nguyễn Thị Minh Phượng (2015), Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.