Các chuyên gia nói gì về Dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Chiều 4/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Các chuyên gia tham dự hội thảo đã thẳng thắn chỉ ra những điểm chưa hoàn thiện của Nghị định.

Tham dự hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, gồm: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty thành viên. Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo các Hiệp hội, Viện Nghiên cứu chính sách về năng lượng, chuyên gia am hiểu về lĩnh vực điện mặt trời mái nhà.

Các chuyên gia nói gì về Dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phong hoan nghênh tinh thần cầu thị, công khai và trách nhiệm giải trình, tôn trọng dư luận của Bộ Công Thương. TS. Nguyễn Minh Phong thừa nhận những ưu điểm, sự đúng đắn của Dự thảo Nghị định tại 3 điểm sau: Thứ nhất, khuyến khích sản xuất điện mặt trời nói chung và điện tự sản, tự tiêu nói riêng – đúng tinh thần của Quy hoạch điện VIII; Thứ hai, tôn trọng các yếu tố kỹ thuật và yếu tố quản lý trong quản lý điện mặt trời có kết nối và hệ thống, đảm bảo sự ổn định và an toàn; Thứ ba, tăng cơ chế thị trường, tăng hài hòa lợi ích trong quản lý điện năng theo Quy hoạch điện VIII, tránh lợi ích nhóm, tránh hạn chế về năng lực cứng và mềm làm hạn chế năng lực điện tái tạo để đảm bảo đạt được mục tiêu về khí hậu Chính phủ cam kết tại COP 26.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, nên có những bổ sung về giải pháp: tăng cơ chế thị trường, giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng đồng thuận xã hội trong chính sách này, bao gồm không cho phép bán điện thừa cho người khác vì nằm trong cơ chế mua bán điện trực tiếp, được Quy hoạch điện VIII bảo hộ pháp lý.

TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Một điểm nữa, chúng ta phải thực hiện đa dạng hóa giá, gồm 2 yếu tố rất quan trọng: áp dụng sớm cơ chế giá 2 thành phần để những ông nửa ngày không phát điện có thể thu hồi vốn; nên có chính sách phát triển công cụ lưu trú điện, có cơ chế đặt hàng nhà nước hoặc những chính sách miễn hoàn toàn các loại thuế để phát triển những công cụ lưu trữ tích điện một cách tốt nhất để phục vụ ngành điện, dân sinh, quân đội, hướng đến dẫn đầu thế giới”.

Các chuyên gia nói gì về Dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
TS. Nguyễn Minh Phong phát biểu tại hội thảo.

Đồng tình với quy định trong Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết, khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới, EVN đồng tình với Bộ Công Thương về quy định “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng”. Quy định đó bao hàm: “Ghi nhận” nghĩa là giá trị tài sản xã hội đó được xác nhận là đóng góp (hoặc tác động bất lợi) đối với bên cung cấp điện, như vậy cần có những tính toán cụ thể về “lợi và hại” của sản lượng điện này.

Đơn cử, mặt lợi là giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải phân phối, giảm phát thải khí nhà kính… Mặt hại là phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, điều áp dưới tải… do dư thừa nguồn vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều. Giá trị ghi nhận này trước mắt có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn, kích động đối với chính sách.

“Về “giá 0 đồng” là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng, vì vậy kiến nghị trong Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này (Ví dụ: Giai đoạn 3 năm 2024-2027)”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia nói gì về Dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng

Ông Tuấn cho rằng, Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế – xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó, Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý.

Còn PGS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí Đại học Bách Khoa cũng nhất trí với chủ trương ủng hộ phát triển điện mặt trời mái nhà để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.

PGS. Nguyễn Việt Dũng cho biết, về mặt kỹ thuật ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.

Các chuyên gia nói gì về Dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
PGS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí Đại học Bách Khoa.

“Nhật Bản mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất năng lượng tái tạo của nước này trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30 – 40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể nào điều độ được” – PGS. Nguyễn Việt Dũng phân tích.

PGS. Nguyễn Việt Dũng khẳng định: “Dẫn chứng điều này để thấy rằng, chúng ta cần bao nhiêu thời gian để hệ thống điện trong nước hoạt động, chưa kể chi phí để bảo trì, bảo dưỡng ra sao. Toàn bộ hệ thống nhiệt điện bây giờ luôn phải chạy ép để nhường lưới điện cho năng lượng tái tạo, mà năng lượng mặt trời là năng lượng phi tuyến, chỉ cần một đám mây đi qua là lập tức tải tụt xuống ngay”. PGS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh một lần nữa: “Chúng ta không thể đưa đấu nối ở các dự án ngoài quy hoạch, bởi sẽ làm cho hệ thống lưới điện không ổn và cực kỳ nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia”.

Các chuyên gia nói gì về Dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt cảm ơn những ý kiến của các chuyên gia về năng lượng, kinh tế, các phát biểu rất sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm nêu ra những vấn đề để Bộ Công Thương nói chung và Ban soạn thảo Tổ biên tập của Nghị định nói riêng sẽ có những suy nghĩ đầy đặn, đặt ra những tình huống và giải quyết được một cách tốt nhất trong chính sách lần này.